Thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh năm 2018

Trường Đại học Nông Lâm thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh năm 2018 như sau:

I. CÁC CHUYÊN NGÀNH TUYỂN SINH
1. Chăn nuôi (mã số: 9620105),
2. Khoa học cây trồng (mã số: 9620110),
3. Quản lý đất đai (mã số: 9850103),
4. Lâm sinh (mã số: 9620205),
5. Phát triển nông thôn (9620116),
6. Thú y (mã số: 9640101),
7. Bảo vệ thực vật (mã số: 9620112),
8. Nuôi trồng thủy sản (mã số: 9620301)

II. HÌNH THỨC TUYỂN SINH:    xét tuyển.

III. THỜI GIAN ĐÀO TẠO: 3 năm đối với người có bằng thạc sĩ và 4 năm đối với người có bằng đại học.

IV. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN
1. Về văn bằng
Người dự thi cần thỏa mãn một trong các điều kiện sau đây (trừ chuyên ngành Phát triển nông thôn được quy định tại mục 1.3 dưới đây):
a) Có bằng thạc sĩ đúng, phù hợp hoặc gần với chuyên ngành đăng ký dự tuyển.
b) Có bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức đào tạo giáo dục chính quy loại giỏi trở lên. Các bằng tốt nghiệp này phải thuộc ngành đúng hoặc phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển.
1.3. Điều kiện về văn bằng để dự tuyển vào chuyên ngành Phát triển nông thôn. Người dự tuyển phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức đào tạo giáo dục chính quy ngành Phát triển nông thôn, Khuyến nông loại giỏi trở lên và ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong các lĩnh vực: kinh tế – xã hội; nông nghiệp và phát triển nông thôn tính từ ngày cấp bằng tốt nghiệp đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự thi quy định trên thông báo tuyển sinh.
b) Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Phát triển nông thôn (ngành đúng).
c) Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ các chuyên ngành gần, gồm: các ngành khối Nông – Lâm – Ngư; Sinh học; Kinh tế nông nghiệp; Quản lý đất đai; Cơ khí công nghệ; Bảo quản chế biến; Xã hội học; Quản trị kinh doanh; Luật và đã hoàn thành chương trình bổ túc kiến thức để thi vào cao học chuyên ngành Phát triển nông thôn.
Nếu người dự tuyển chỉ có bằng tốt nghiệp đại học thì phải bổ túc kiến thức gồm 35 tín chỉ thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Phát triển nông thôn của Trường Đại học Nông Lâm. Phần bổ túc kiến thức phải được thực hiện ngay sau khi thí sinh trúng tuyển.
Đối với người dự tuyển đã có bằng thạc sĩ ngành gần, hoặc bằng thạc sĩ ngành đúng nhưng đã tốt nghiệp nhiều năm, hoặc bằng thạc sĩ ngành đúng không phải do Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cấp thì tùy từng trường hợp phải học bổ sung kiến thức một số học phần cần thiết ở trình độ đại học và cao học, theo yêu cầu của Hội đồng chuyên môn Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
2. Yêu cầu về ngoại ngữ
2.1. Ngoại ngữ dùng để xét tuyển là một trong các ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức và tiếng Nhật.  
2.2. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong các chứng chỉ hoặc văn bằng minh chứng về năng lực ngoại ngữ sau đây:
a) Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 điểm trở lên hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển quy định trên thông báo tuyển sinh;
b) Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là một trong các ngoại ngữ dùng để xét tuyển quy định tại mục 2.1.
(Các bằng tốt nghiệp nước ngoài phải kèm theo văn bản công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo);
c) Bằng tốt nghiệp đại học một trong các ngành ngôn ngữ quy định tại mục 2.1 do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;
d) Người dự tuyển đáp ứng quy định tại điểm b và điểm c khoản này khi ngôn ngữ dùng trong quá trình dạy và học (đối với điểm b) hoặc ghi trong bằng tốt nghiệp (đối với điểm c) không phải là tiếng Anh; hoặc đáp ứng quy định tại điểm a của khoản này với các tiếng nước ngoài không phải là tiếng Anh ở trình độ tương đương (quy định tại phụ lục II của Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ hiện hành) thì phải có khả năng giao tiếp về chuyên môn bằng tiếng Anh.
2.3. Người dự tuyển là công dân nước ngoài phải có trình độ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
Đại học Huế sẽ có quy định riêng cho công dân nước ngoài đăng ký dự tuyển vào học các chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh.
3. Bài báo
Là tác giả của 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đã được đăng hoặc được nhận đăng trên các tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 36 tháng tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

V. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian nhận hồ sơ vào các tháng 02, 04, 06, 08, 10 và 12 năm 2018.
2. Địa điểm phát mẫu hồ sơ và thu nhận hồ sơ dự tuyển:
Phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm, 102 Phùng Hưng, Tp Huế.

Mọi chi tiết xin liên hệ Phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm:
Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Tp Huế            Điện thoại: 02343.537.757
Fax: 084.2343.524.923                             E-mail: saudaihoc@huaf.edu.vn

Tải file thông báo tại đây