Nghiên cứu sinh: Trần Văn Mạnh
Chuyên ngành: Khoa học cây trồng
Mã số: 62 62 01 10
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu
2. TS. Nguyễn Như Hải
Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Nông Lâm-Đại học Huế
Nội dung trích yếu của Luận án:
1. Mục đích đề tài
Tuyển chọn được giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, năng suất cao, ổn định, chất lượng khá; và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật canh tác (thời vụ gieo, lượng giống gieo sạ, liều lượng bón đạm) nhằm phục vụ sản xuất thâm canh lúa tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
2.1. Ý nghĩa khoa học
– Các kết quả thu được của đề tài cung cấp những dẫn liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu chọn tạo, tuyển chọn giống lúa ngắn ngày cho vùng Duyên hải nam Trung bộ.
– Đã tuyển chọn được một số giống lúa ngắn ngày triển vọng, sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, có tính thích nghi và độ ổn định cao, phù hợp với sản xuất tại các tỉnh Duyên hải nam Trung bộ.
– Cung cấp nguồn vật liệu khởi đầu cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa ngắn ngày, chất lượng; Là tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống lúa ngắn ngày tại vùng nghiên cứu.
2.2. Ý nghĩa thực tiễn
– Đã tuyển chọn được 2 giống lúa MT18cs và LTH 134 (AIQ1102), có thời gian sinh trưởng ngắn, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất, chất lượng khá bổ sung vào cơ cấu giống lúa, góp phần đảm bảo ổn định năng suất và sản lượng lúa của vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.
– Khuyến cáo cho sản xuất quy trình thâm canh giống lúa mới ngắn ngày triển vọng (thời vụ gieo; mật độ sạ và liều lượng đạm) phù hợp để thâm canh lúa trên đất phù sa không được bồi hàng năm tại vùng Duyên hải nam Trung bộ.
3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
– Đề tài luận án tập trung nghiên cứu nguồn vật liệu 9 giống lúa thuần mới thuộc nhóm ngắn ngày, được thu thập từ các nguồn lai tạo trong nước và nhập nội.
– Nghiên cứu về đặc điểm nông học, tiềm năng cho năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu, bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận; khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái vùng Duyên hải Nam Trung bộ của 9 giống lúa mới. Thí nghiệm được thực hiện liên tục 4 vụ (Đông Xuân 2011-2012, Hè Thu 2012; Đông Xuân 2012-2013 và Hè Thu 2013); được bố trí tại 3 địa điểm tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Trại Giống cây trồng Nam Phước, tỉnh Quảng Nam; Trạm Khảo nghiệm và Hậu kiểm giống cây trồng Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; Trại Giống cây Nông nghiệp Hòa An, tỉnh Phú Yên).
– Sử dụng một giống lúa mới cực ngắn ngày được tuyển chọn làm đối tượng để nghiên cứu về một số biện pháp kỹ thuật (thời vụ gieo sạ; lượng giống gieo sạ và liều lượng bón đạm). Các thí nghiệm được thực hiện liên tục 2 vụ (Đông Xuân 2012 -2013 và Hè Thu 2013), trên đất phù sa không được bồi hàng năm, có độ phì trung bình tại Trạm Khảo nghiệm và Hậu kiểm giống cây trồng Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
– Xây dựng mô hình thâm canh giống lúa mới được tuyển chọn và biện pháp kỹ thuật mới của đề tài nghiên cứu đề xuất được thực hiện 2 vụ (Đông Xuân 2013-2014 và Hè Thu 2014), tại 6 Trạm giống cây trồng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên.
– Thời gian nghiên cứu từ tháng 01 năm 2012 đến tháng 10 năm 2014.
4. Những đóng góp mới của luận án
– Đề tài đã phối hợp với các cơ quan tác giả tuyển chọn được 2 giống lúa mới là: MT18cs và LTH 134 (AIQ1102), có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, năng suất cao ổn định đạt từ 62- 65 tạ/ha, chất lượng khá, ít nhiễm sâu bệnh hại; được đánh giá là giống có triển vọng cho sản xuất tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Các giống lúa này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho phép sản xuất thử tại Quyết định số: 498/QĐ-TT-CLT, ngày 29/10/2013 và Quyết định số: 58/QĐ-TT-CLT, ngày 13/3/2014 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Kết quả nghiên cứu đã đề xuất được một số biện pháp kỹ thuật sản xuất thâm canh giống lúa cực ngắn ngày trên đất phù sa không được bồi đắp hàng năm tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ gồm: Thời vụ thích hợp trong vụ Đông Xuân gieo sạ từ 27/12 đến 05/01, vụ Hè Thu gieo sạ từ 03/6 đến 10/6; Lượng hạt giống gieo sạ và lượng đạm bón thích hợp trên một ha là: 90 kg hạt giống và 120 kg N trên nền 5 tấn phân chuồng hoai mục cùng với 80 kg P2O5 và 90 kg K2O.